Game nhập vai đấu tướng rảnh tay.
Ngoài Pay-to-Win thì Diablo Immortal còn mất điểm trong mắt game thủ vì những lý do này đây
Không nhắc đến vấn đề Pay-to-Win thì chính những yếu tố “Trung Quốc” ăn sâu vào Diablo Immortal đang khiến cộng đồng dần quay lưng với tựa game này.
Diablo Immortal, tựa game Diablo đầu tiên trên điện thoại của Blizzard vừa được ra mắt cách đây không lâu và nhận về vô số những ý kiến trái chiều từ cộng đồng game thủ.
Không thể phủ nhận công sức của nhà phát hành khi đã nỗ lực mang đến một trải nghiệm thú vị hơn cho người chơi, và cũng là bước đệm trong khi chờ đợi phần Diablo 4 ra mắt.
Thế nhưng, bên cạnh những lời khen có cánh về đồ họa, về gameplay được đầu tư kĩ lưỡng, kế thừa xuất sắc những gì mà đàn anh Diablo 3 đã để lại thì tựa game còn nhận phải rất nhiều lời phê bình không mấy tốt đẹp đến từ những người hâm mộ Diablo.
Nào là game chán không có nhiều thứ để làm, game khó kiếm trang bị, game pay-to-win… vân vân và mây mây.
Tất cả nguyên do này bắt nguồn từ việc Diablo Immortal tuy là game của Blizzard nhưng lại do NetEase – một đối tác của Blizzard tại Trung Quốc chịu trách nhiệm sản xuất và phát hành.
Để rồi không hiểu sao những cái tinh túy, cốt lõi của Diablo truyền thống bị biến đổi, thậm chí bị phá hỏng nặng nề.
Vậy rốt cuộc NetEase đã tác động như thế nào đến Diablo Immortal? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Gen châu Á ngấm vào các nhân vật
Phụ lục
Có thể thấy trong Diablo 3, tạo hình của các lớp nhân vật chịu ảnh hưởng nhiều bởi không khí thần thoại phương Tây. Do đó, cái chất hùng tráng, thậm chí có phần thiêng liêng của các nhân vật là không lẫn vào đâu được.
Tuy nhiên khi về tay NetEase, những nhân vật trong Diablo Immortal đã không còn giữ được cái chất ấy.
Nhân vật trong game giờ đây tạo cảm giác gần gũi, bớt ngầu hơn nhiều vì họ giống với những con người bình thường mang những năng lực đặc biệt.
Hơn nữa, những con người ấy lại mang nhiều nét Á Châu, điển hình là Barbarian. Trong Diablo 3, Barbarian là một chiến binh cực ngầu mang một bộ chiến giáp cùng một thanh đại rìu trên tay.
Thế nhưng trong Diablo Immortal, Barbarian lại trông như một thổ dân lực lưỡng với khuôn mặt rõ là người châu Á, đeo trên người hàng chục thứ chiến lợi phẩm có được khi tiêu diệt kẻ thù.
Nó chẳng khác nào việt một tựa game lấy bối cảnh Trung Quốc lại xây dựng nhân vật chính là một anh da đen châu Phi cả.
Hay class Wizard vốn nhìn vào là ta biết ngay đó là một phù thủy Châu Âu vì chiếc mũ phù thủy và một cây trượng uy quyền, thì về tay NetEase lại mặc một bộ y phục Trung Hoa và mất trượng, thay vào đó là dùng tay không thi triển kỹ năng như mấy bộ phim kiếm hiệp.
Dù đây có là dụng ý để đa dạng hóa các nhân vật đi chăng nữa thì cũng nên giữ tinh thần chung của cốt truyện chứ không nên có những biểu hiện xâm lấn văn hóa như thế.
Cơ chế “mì ăn liền” khá nhiều
Khi biết game được một nhà phát hành của Trung Quốc sản xuất, mình đã nghĩ game thế nào cũng có auto battle, ngồi không hưởng thành quả. Thật may là game không có.
Tuy nhiên, dù đã khéo léo bỏ tính năng ấy để người chơi được tự tay trải nghiệm việc chiến đấu, game vẫn còn đó chế độ tự động nhặt đồ và tự động di chuyển tìm mục tiêu, game thủ giờ có thể rảnh tay hơn, ít cần kỹ năng hơn.
Ngoài ra, việc có thể kiếm được rất nhiều trang bị khi đánh quái, đánh boss đã giúp game dễ dàng hơn rất nhiều, bạn chẳng phải tính toán gì cả khi cứ lắp hết trang bị game gợi ý thì bạn đã thừa sức cày nát các nhiệm vụ rồi.
Game cũng sẽ cho bạn một cái rương đồ to đùng, chẳng cần phải lo nghĩ nên bỏ hay lấy trang bị nào.
Bên cạnh đó, game cũng đơn giản hóa đi rất nhiều khi mà ngoài việc làm nhiệm vụ, săn boss thì không có quá nhiều thứ để làm, để mò mẫm như thời Diablo 2 chẳng hạn, cứ như game ép bạn phải cày cuốc thay vì khám phá.
Vấn đề Pay-to-win
Đây là câu chuyện quen thuộc của những tựa game Trung Quốc xưa nay, khi mà có tiền là có tất cả.
Vấn đề chi tiền sẽ chẳng có gì đáng nói khi nó nên là một tính năng mang tính khuyến khích người chơi, tức nó chỉ nên ảnh hưởng rất ít hoặc không ảnh hưởng đến sức mạnh của nhân vật khi chơi game.
Như tựa game Liên Minh Huyền Thoại chẳng hạn, việc bỏ tiền mua trang phục hay không chẳng làm cho nhân vật mạnh lên hay yếu đi. Có chăng chỉ là một số trang phục sẽ cho hoạt ảnh tung chiêu khó nhìn hơn những trang phục khác như iBlitzcrank, nhưng điều này không đáng kể.
Bạn mua trang phục thì tướng của bạn đẹp hơn, nhà phát hành cũng thu được tiền để phát triển game tiếp. Còn không thì… thôi.
Nhưng đối với Diablo Immortal, việc bỏ tiền hay không bỏ tiền khiến cho sức mạnh của nhân vật chênh lệch rất đáng kể.
Nếu được so sánh mình sẽ nói bạn bỏ công cày cuốc trong game, bạn có thể trở thành “mẹ thiên hạ”, nhưng nếu bạn bỏ tiền, bạn sẽ trở thành “mẹ thiên nhiên”.
Tổng kết
Tóm lại, mặc dù là game của Blizzard nhưng khi về tay NetEase, Diablo Immortal đã mất chất đi khá nhiều. Sự hồi hộp mà game thủ có được khi chơi các phần game trước dường như không còn.
NetEase đã đưa vào nhiều cơ chế, đặc biệt là vấn đề Pay-to-win khiến cho game dù có cái mác Blizzard hào nhoáng nhưng phần ruột lại Trung Quốc hoàn toàn.
Trang chủ: https://diabloimmortal.blizzard.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/DiabloImmortal
Tải game Diablo Immortal cho Android – APK – iOS