Trải nghiệm chiến tranh khốc liệt.
Tìm hiểu Đế Vương Tam Quốc Funtap xem có hoành tráng như lời đồn?!
Với chất lượng vô cùng “lệch tông” so với quảng cáo, Đế Vương Tam Quốc Funtap có lẽ là tựa game chiến thuật đầu tiên khiến nhiều game thủ phải “ăn dưa bở” đến như vậy trong năm 2021 này!
Đế Vương Tam Quốc Funtap là tựa game mobile thuộc thể loại mô phỏng chiến thuật (SLG) vừa được NPH Funtap tung ra thị trường vào hôm nay. Cũng giống như bao trò chơi cùng thể loại, tựa game này sẽ đưa bạn trở về chiến trường Tam Quốc với không khí hào hùng với các anh hùng xứng danh khi xưa như Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền..v..v..
Trước đó, nhà phát hành đã sớm tạo được ấn tượng với nhiều game thủ bằng những từ ngữ hết sức hoa mỹ đến khó tin về chất lượng của game như “đồ họa 4K”, “đề cao tính chiến thuật”, “trải nghiệm không khí hào hùng của chiến trường Tam Quốc xưa”… Đây đều là những chỉ tiêu mà hầu hết mọi game thủ đều đặt ra khi tìm đến một sản phẩm SLG như thế này.
Vậy Đế Vương Tam Quốc Funtap có thực sự là sân chơi trong mơ dành cho bạn? Hãy cùng AFKMobi tìm hiểu nhé!
Nền đồ họa 4K đẳng cấp..như game H5
Phụ lục
Phần hình ảnh của Đế Vương Tam Quốc Funtap nếu so sánh giữa quảng cáo và thực tế thì có thể nói đúng là “một trời một vực”. Được NPH Funtap quảng bá là game có đồ họa đạt chuẩn 4K, rất nhiều game thủ đã mong chờ vào những hình ảnh sắc nét và sống động đến từng centimet, được hòa mình vào chiến trường khói lửa đầy chân thật.
Thế nhưng “đời không như là mơ”, chất lượng hình ảnh thực tế của trò chơi chỉ chỉ dừng lại ở ngưỡng một tựa game H5 không hơn không kém, màu mè và thô kệch như game Westward: Tây Du Đại Thoại H5 vậy!
Thậm chí nếu so sánh với một vài webgame đã được phát hành cách đây khá lâu như Loạn Tam Quốc hay Tam Quốc Chiến Ca thì đồ họa của Đế Vương Tam Quốc Funtap vẫn thua xa mấy bậc.
Hình ảnh 4K là trông như này đây???
Hình ảnh 2D thiếu sắc nét, cử động nhân vật đơ cứng, hiệu ứng kỹ năng lòe loẹt “giả trân” hết mức, chiến trường bằng phẳng trống huơ trống hoác thiếu đi các hiệu ứng khói lửa cần thiết…Đó là tất cả những gì mà phần nhìn của tựa game này có thể đem lại cho người chơi.
Dàn trận làm cho có, thắng bại tại Ví Tiền
Có lẽ NPH Funtap đã hơi “quá tay” trong việc quảng cáo lố cho Đế Vương Tam Quốc khi tự xưng là “Top 1 game chiến thuật Tam Quốc”, vì thậm chí trò chơi này không phải là một game chiến thuật đúng nghĩa nữa.
Thay vào đó Đế Vương Tam Quốc Funtap thực ra là sự kết hợp giữa thể loại SLG (mô phỏng chiến thuật) và Idle (game rảnh tay). Có thể trong thời đại ngày nay, sự kết hợp này là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu giải trí của các game thủ bận rộn, ít thời gian. Song buồn thay tựa game này lại thực hiện nó một cách không thể nào tệ hơn.
Từ trước đến nay chính cái yếu tố “cân não” đã làm nên sức hút khó cưỡng của thể loại game chiến thuật, game SLG. Qua đó một game chiến thuật hấp dẫn luôn sở hữu một lối chơi có chiều sâu được xây dựng bởi nhiều tính năng phức tạp, người chơi cần tìm hiểu, tính toán kĩ lưỡng và học hỏi lẫn nhau để thành thục.
Thế nhưng mọi yếu tố chiến thuật truyền thống trong Đế Vương Tam Quốc Funtap giờ đây đều được làm qua loa, tập trung lớn vào mặt đấu đấu tướng dựa trên chỉ số sức mạnh của Tướng và điểm Tổng lực chiến để phân định thắng bại là chính. Trong tựa game này, khi bộ não được nghỉ ngơi thì cũng là lúc các con số lên tiếng.
Thắng bại tại tướng SSS.
Tướng SSS có thể dễ dàng “đè chết” tướng cấp S hoặc thấp hơn, các yếu tố đề cao kỹ năng mà trò chơi quảng cáo như “đa dạng binh chủng”, “hệ thống ngũ hành” đều lập tức bị “ra chuồng gà” khi bạn đối mặt với một “tỉ phú đô la” nào đấy sở hữu đội hình tướng cực “khủng”!
Ngoài ra các yếu tố Quốc chiến, Vượt ai không còn áp dụng theo thể thức thời gian thực thường thấy nữa thay vào đó chỉ là những ô quan ải để người chơi lao vào đánh chiếm với tiêu chí nạp nhiều sẽ ăn tất cả.
Đã vậy gameplay của trò chơi này con na ná 1 sản phẩm đã ra mắt trước đó ở Việt Nam có tên gọi Tân Tam Quốc Itap, cũng là 1 tựa game H5 chủ đề Tam Quốc lai tạp giữa lối chơi Idle đấu tướng và SLG. Qua đó chúng ta có thể thấy Đế Vương Tam Quốc Funtap không cố gắng tạo ra nét riêng hay sự mới mẻ trong gameplay và chỉ cố “sao chép” lại sản phẩm khác một cách tệ hại.
Có quá nhiều thứ thêm thắt làm sai lệch bối cảnh Tam Quốc
Nếu là một game thủ yêu thích Tam Quốc thì có thể bạn đã nhận ra các game đề tài này luôn có một quy tắc “luật bất thành văn”. Đó là các game Tam Quốc thể loại SLG thường có thiên hướng mô phỏng thực tế, tái hiện lại lịch sử và trung thành với bối cảnh. Trong khi đó, những tựa game cố biến tấu, phá cách hoặc châm biếm hóa bối cảnh Tam Quốc lại chọn thể loại thẻ tướng hoặc hành động làm bến đỗ.
Game SLG mà có cả tính năng Idle đặc trưng của dòng game thẻ tướng?
Lý do có sự phân chia rõ rệt như vậy là vì thể loại SLG vốn hướng tới các game thủ hardcore, những người muốn trực tiếp trải nghiệm những trận đánh hào hùng trong sử sách và cảm nhận được sự khốc liệt của thời loạn lạc.
Vì vậy để đáp ứng được nhu cầu đó, các game Tam Quốc thể loại này thường có tạo hình nhân vật sát với lịch sử, cốt truyện bám sát Tam Quốc Diễn Nghĩa, các tính năng và hoạt động cũng được dựa theo các sự kiện được sử sách ghi chép lại.
Top 1 game chiến thuật Tam Quốc…tự phong?!
Chúng ta có thể kể đến các siêu phẩm nổi danh quốc tế như New Romance of the Three Kingdoms (Tân Tam Quốc Diễn Nghĩa) hoặc Three Kingdoms Tactics của QookkaGames hay Epic War: Thrones của Archosaur Games. Những tựa game này nhờ đáp ứng được các điểm mạnh kể trên nên mới được game thủ khắp nơi yêu thích đến như vậy.
Riêng với Đế Vương Tam Quốc Funtap, trò chơi không tập trung mô phỏng bối cảnh Tam Quốc chân thực, nguyên bản thường thấy trên phim truyện mà dung nạp rất nhiều yếu tố huyền huyễn, đi xa rời bối cảnh và có thiên hướng nhập ma, hóa thần nhiều hơn. Các vị tướng trong game đều có khả năng hóa thần biến hình thành “mắt đỏ đầu xanh” hệt như trong các tựa game thẻ tướng rẻ tiền thường áp dụng!
Tạo hình võ tướng thô kệch hết sức.
Chưa kể đến việc hình ảnh trong game cũng rất “nửa nạc nửa mỡ”, thực không ra thực, ảo không ra ảo, tạo ra cảm giác hỗn độn, lai tạp quá mức. Một số tướng được tạo hình sát lịch sử nhưng cũng có nhiều tướng lại sở hữu một “bộ cánh” đậm chất fantasy. Ngoại cảnh trong game cũng khá màu mè và sặc sỡ, thiếu đi cái khói lửa bụi bặm cần có của một chiến trường thực sự.
Chưa hết, trò chơi cũng có sự xuất hiện của các “thần thú” lộng lẫy cứ như bước ra từ một tựa game tiên hiệp. Chính việc không nhất quán về phong cách hình ảnh này còn khiến nhiều game thủ phải “ngã ngửa” vì dễ nhầm tưởng rằng Đế Vương Tam Quốc Funtap là một sản phẩm SLG thuần lịch sử trước khi bước vào game.
Kỳ lạ với yêu cầu buộc người dùng phải “cấp phép theo dõi”mới được vào chơi game?!
Trong lần đăng nhập đầu tiên vào Đế Vương Tam Quốc Funtap, trò chơi sẽ hiện lên dòng thông báo với nội dung như sau: “Đế Vương Tam Quốc muốn được cấp phép theo dõi bạn trên các ứng dụng và trang web do các công ty khác sở hữu.”
Đối với người dùng smartphone, việc cấp phép cho một ứng dụng nào đó theo dõi bạn đồng nghĩa với nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân rất lớn. Trong trường hợp này, nếu bạn chấp nhận cho phép theo dõi thì NPH Funtap sẽ có thể truy cập vào các dữ liệu cá nhân trên smartphone của bạn như danh bạ, ảnh, địa chỉ IP, lịch sử duyệt web… và thậm chí cả tin nhắn riêng tư của bạn nữa.
Vì vậy mà hiện tại đang có rất nhiều người chơi lên tiếng phản đối hành động này, nhất là những người có kiến thức về bảo mật thông tin. Bản thân NPH Funtap cũng đã cố trấn an game thủ bằng việc khẳng định mục đích của hành động này là để tối ưu hóa, nâng cao bảo mật, giảm quảng cáo trong quá trình chơi. Dù vậy, việc cho phép một ứng dụng theo dõi mình vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường nên các game thủ hãy cân nhắc thật cẩn thận trước khi đồng ý nhé!
Tóm lại, Đế Vương Tam Quốc Funtap không chỉ khiến game thủ “vỡ mộng” vì chưa thể chạm tới được những ưu điểm “trên trời” do mình tự đặt ra mà còn tỏ ra thua kém rất nhiều tựa game cùng thể loại khác đang có mặt trên thị trường. Có lẽ trong tương lai NPH Funtap nên “hạ tông” trong việc quảng bá game của mình và các game thủ nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định dấn thân vào một sân chơi mới nào đó!