Game nhập vai hành động mang nội dung phiêu lưu hấp dẫn.
Dragon Hunters: Người Săn Rồng nhận “mưa gạch đá” vì…quảng cáo quá hay!
Game nhập vai di động Dragon Hunters: Người Săn Rồng đã có 1 ngày ra mắt quá đỗi thành công ở thị trường Đông Nam Á cả về khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực.
Dành cho ai chưa biết thì Dragon Hunters: Người Săn Rồng thuộc thể loại game nhập vai màn hình dọc lấy bối cảnh cổ đại đề cao yếu tố phiêu lưu khám phá, săn Rồng có đồ họa 3D style anime vô cùng đẹp mắt.
Vậy nên ngay khi đánh tin sắp ra mắt tại thị trường Việt Nam, sản phẩm trên được giới game thủ kỳ vọng là một phiên bản kế thừa hoàn hảo của dòng game Monster Hunter bởi những nội dung, hình ảnh quảng cáo được tung ra quá thu hút.
Sau 24h ra mắt trò chơi đã có tới hơn 80 máy chủ.
Tuy nhiên, vào ngày ra mắt chính thức lúc 9h sáng 26/4/2022, trò chơi đã khiến nhiều người hụt hẫng, cảm giác bị ăn vố lừa đau đớn bởi đã quá tin vào…quảng cáo!
Cụ thể gameplay của Dragon Hunters: Người Săn Rồng giống hoàn toàn với Yong Heroes – 1 sản phẩm MMORPG 3D chủ đề kiếm hiệp màn hình dọc vốn được công ty 4399 ra mắt vào năm 2019.
Có chăng sự khác biệt ở đây chỉ là phần cốt truyện, hình ảnh, kịch bản vận hành còn lại mọi tính năng, hoạt động, lớp nhân vật, cơ chế tiến hóa Pet trợ chiến hay kích hoạt Thần khí, Cánh, Thú cưỡi gần như tương đồng đến 90%.
1 trong số rất nhiều nội dung, hình ảnh quảng cáo sai sự thật của Dragon Hunters: Người Săn Rồng
Đặc biệt thông qua những lời tuyên truyền, quảng bá rầm rộ của Dragon Hunters: Người Săn Rồng trên MXH Facebook, Youtube, Tiktok,..nhiều người đã tìm đến chơi chỉ vì những dòng chữ như:
“Game NFT hot 2022, chơi game này bạn sẽ kiếm được tiền”; “Game bom tấn được chung tay phát triển bởi hơn 30 công ty lớn”; “Thế giới mở, nhập vai tự do, thỏa sức săn Boss cày đồ”,..v..v…
Đi kèm đó là những hoạt cảnh CG, cắt cảnh gameplay, lồng ghép nội dung in-game với dòng chú thích “Trình diễn thực tế” đã khiến không ít người xem phải trầm trồ bởi sự hào nhoáng, lộng lẫy và hoành tráng mà video clip quảng cáo lột tả.
Thậm chí, có không hiếm người chơi còn nhầm tin đây là tựa MMORPG 3D màn hình ngang có lối chơi nhập vai chặt chém, hành động săn Rồng sướng tay nhất trên Mobile.
Song khi tải game, vào chơi và cảm nhận…thì không ít người đã té ngửa bởi mọi thứ phơi bầy trước mắt họ hoàn toàn khác xa so với quảng cáo.
Một số tay chơi còn phải thốt lên rằng:
“Trời, Đ!M, gameplay khác quảng cáo 1 trời 1 vực”; “Tôi đã xóa game sau 20 phút trải nghiệm, gì mà game bom tấn, game khủng chứ..toàn treo đầu dê bán thịt chó!”;”Ủa..thấy quảng cáo hiển thị là game nhập vai màn hình ngang mà các bạn sao vào chơi lại là màn hình dọc, gameplay auto rẻ tiền quá vậy?!”, “Game quá giật lag, event toàn Pay to Win, dân cày vào chơi có mà đớp gió”..v..v…
Sự phẫn nộ này đã kéo theo hệ lụy là rất nhiều những bình luận, phản hồi tiêu cực liên tục xuất hiện trên kênh chat của game và fanpage, group liên quan tới Dragon Hunters: Người Săn Rồng.
Riêng trên kho ứng dụng Google Play lẫn App Store, trò chơi cũng đón nhận “cơn bão vote 1 sao” với nhiều dòng đánh giá cảm thán, hàm ý bức xúc từ phía game thủ.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều người chơi còn đặt ra câu hỏi liệu game này có bản quyền và được cấp phép hoạt động ở Việt Nam chưa?!
Vì theo như những gì hiển thị trên màn hình đăng nhập vào game và tại trang chủ, fanpage Dragon Hunters: Người Săn Rồng thì họ chỉ thấy những cái tên xa lạ như WATT games Information Technology Co.,Ltd.All, 4399,..mang đậm yếu tố Trung Quốc, khiến niềm tin đầu tư vào game tụt giảm nghiêm trọng.
Phải chăng đã đến lúc các NPH Game, NSX Game trong nước cần nghiêm túc tôn trọng người dùng hơn khi đưa ra những nội dung hay thông điệp quảng cáo bám sát với sự thật gameplay và hình ảnh của sản phẩm?!
Theo cảm nhận của người Viết thì hình ảnh thực tế của Dragon Hunters: Người Săn Rồng cũng không đến nỗi nào!
Bài học nhãn tiền là đã có rất nhiều sản phẩm hay công ty game trên thế giới bị “muối mặt” khi cộng đồng chung tay lên án và tẩy chay bởi những chiêu trò “quảng cáo láo”, trình bày nội dung sai sự thật.
Thậm chí, một số bên còn bị lĩnh án phạt với số tiền khổng lồ khiến công ty điêu đứng, buộc đóng cửa game vô điều kiện tại một số thị trường hà khắc.